Lời mở đầu

“Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…Nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Đó là những vần thơ trong bài thơ đã được phổ nhạc, mà mỗi khi nghe ta cảm thấy bồi hồi xúc động, ta càng cảm thấy thấm thía khi nhớ đến quê hương.
Quê hương là nơi mà ông bà tổ tiên ta đã từng sinh ra, lớn lên và lập nên sự nghiệp. Không nhớ đến quê hương là không nhớ đến tổ tiên. “Uống nước nhớ nguồn” là một câu tục ngữ mà ta phải luôn khắc sâu trong lòng.

Tổ tiên dòng họ ta là ai? Đó là điều mà con cháu ta, từ thế hệ này qua thế hệ khác cần phải biết, cần phải tìm hiểu để biết nguồn gốc của mình. Biết nguồn gốc để tưởng nhớ, và mãi tri ân ông bà tổ tiên đã để lại cho chúng ta những gì quý báu nhất mà chúng ta thừa hưởng.

Chúng ta đã kế thừa một gia tài vô giá, đó là một gia tài không có giá trị vật chất, mà là những tinh túy nhất của dòng họ. Đó là truyền thống đạo đức và những tri thức với sự thông minh tuyệt vời, những tài năng xuất chúng đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc dựng nước và giữ nước, mà thế hệ con cháu chúng ta cần phải phải noi theo và phát huy.

Theo gia phả dòng họ ta, dòng họ Nguyễn Hữu đã được ngài Nguyễn Hữu Độ viết lại bằng chữ Hán và được ngài Nguyễn Hữu Đồng dịch ra tiếng Việt, thì tổ tiên của chúng ta kể từ ngài Ức Trai Nguyễn Trãi (1380).

Nhưng trước ngài Nguyễn Trãi, tổ tiên chúng ta là ai? Gia phả ngài Nguyễn Hữu Độ viết hiện đang lưu tại từ đường họ Nguyễn Hữu, tức Vĩnh Quốc Công Từ (tọa lạc tại Kim Long, Huế), không thấy ghi rõ. Như vậy, chúng ta có bổn phận phải tìm hiểu nguồn gốc xa xưa của dòng họ, kể từ ngài Nguyễn Trãi trở về trước.

Nghiên cứu và kết hợp nhiều sử liệu, cho biết cho biết tiền tổ dòng họ Nguyễn Hữu chỉ được biết từ thời ngài Nguyễn Bặc (904-979). Còn trước đó, chưa tìm ra tài liệu nào ghi chép. Rất tiếc không tìm thấy tài liệu lịch sử nào có thể truy cứu thêm về dòng họ trước ngài Nguyễn Bặc. Do đó, Ngài được kể như đời 1 của dòng họ Nguyễn Hữu (Tiền Tổ) và Ngài Nguyễn Trãi là đời 11 (Hậu Tổ).

DÒNG HỌ NGUYỄN HỮU TRƯỚC THỜI CUỘC

Đến hết đời 28 (tức đời 18 Hậu Tổ), con cháu càng ngày càng đông, phân tán đi các nơi, nhất là sau biến cố 30-4-1975, một số con cháu Nguyễn Hữu đã định cư Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nước khác trên thế giới như Úc, Canada, Pháp v.v...
Do đó, dòng họ Nguyễn Hữu bắt buộc phải lật qua trang sử mới. Đây là một bước ngoặc lớn của lịch sử và của dòng họ. Các hệ phái phải phân chia thành nhiều nhánh. Dòng họ Nguyễn Hữu đến định cư khắp nơi từ trong nước cho tới hải ngoại.

Do đó con cháu còn nghĩ đến quê hương, nhớ đến nguồn gốc ông bà Tổ Tiên dòng họ của mình thì nên lập lại gia phả riêng cho tộc hệ mình, nếu không làm thế thì các thế hệ mai sau sẽ không còn biết đến nguồn gốc của mình.

Ngài Nguyễn Hữu Độ đã nhắc nhở "Nhà có phổ như nước có Sử". Tuân theo lời di huấn của tổ tiên, tôi đã nghiên cứu, sưu tập nhiều tài liệu để hệ thống hóa dòng họ Nguyễn Hữu từ thời Tiền Tổ Nguyễn Bặc (904-979) đến Hậu Tổ Nguyễn Trãi (1380-1442) chuyển qua đời Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), đến đời 25 Nguyễn Hữu Độ (1813-1888) cho đến nay. Thế hệ định cư đầu tiên đến Hoa Kỳ là đời thứ 29 kể từ Tiền Tổ Nguyễn Bặc và đời 19 kể từ Hậu Tổ Nguyễn Trãi, được kể là thế hệ 1 của gia phả sang trang lập tại Hoa Kỳ.

DÒNG HỌ NGUYỄN HỮU TRONG BỐI CẢNH LỊCH SỬ

So Sánh gia phả dòng họ Nguyễn Hữu do ngài Nguyễn Hữu Độ ghi và tài liệu lịch sử, ta thấy có chút sai biệt. Theo gia phả của chúng ta thì kể từ Ngài thủy tổ Nguyễn Tổ, kế tiếp đời 1 là Nguyễn Sùng (Thái Sư), và đời 2 là Nguyễn Nghĩa (Thái Sư triều Lê), đời 3 là Nguyễn Doãn. Nhưng theo tài liệu lịch sử kết hợp gia phả Nguyễn Đại Tông, thì kế tiếp đời Nguyễn Trãi là Nguyễn Công Duẫn (tức Doãn), còn ngài Nguyễn Sùng là con của ngài Du Cần Vương Nguyễn Minh Du, em ngài Nguyễn Ứng Long (Nguyễn Phi Khanh), và Nguyễn Nghĩa là con Nguyễn Sùng. Chi tiết này có phần hợp lý hơn, vì qua vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, một số anh em, vợ con trốn thoát lưu lạc khắp nơi, một số đổi tên họkhông còn rõ tông tích, chỉ còn duy nhất 2 con là Nguyễn Công Duẫn và Nguyễn Anh Võ.

Thời đó, ai sống sót được thì lo che dấu mọi quan hệ thân tộc. Về gia phả chép sai đã đành, nhiều nơi còn dùng sáp ong bôi lên gia phả rồi chôn dấu theo mồ mả của cha ông. Cho nên về sau phần đông các phả hệ nhiều chi phái vãn để nguyên sự sai sót chuyển đổi cố ý của tiền nhân nên sau này có lệch lạc một số phả hệ dòng họ Nguyễn. Từ đời ngài Nguyễn Phi Khanh đến đời Nguyễn Trãi trong phả khởi nguyên đường có ghi: "Từ vụ án Lệ Chi Viên, để giữ bí mật của dòng họ Nguyễn Trãi, nên mỗi khi viết tộc phả, từng chi phải tùy tiện chép sai, cố tinh2 ghi sai lạc cả thế thứ, thậm chí có nhiều chi còn ém gia phả không ghi chép tiếp nữa, hoặc nhiều nghành đã bôi hẳn tên Nguyễn Ứng Long và Nguyễn Trãi hoặc lấy tên tổ khác điền vào.

Dòng họ ta hiện nay trực hệ ngài Nguyễn Công Duẫn, còn con cháu ngài Nguyễn Anh Võ còn rất nhiều ở làng Nhị Khê, Hà Đông. Ngoài sự sai biệt trên, phần sau của gia phả ta phù hợp với nhiều tài liệu khác.

Nguyên cứu về nguồn gốc và quê quán, thì tổ tông của dòng họ Nguyễn Hữu gốc ở Ninh Bình, đến Sơn Nam, Thanh Hóa. Trải qua nhiều đời sau đã sinh sống ở Chí Ngại, Hải Dương (nay thuộc huyện Chí Linh, Hải Hưng). Đến đời ngài Nguyễn Minh Du (ông nội của ngài Nguyễn Trãi) dời đến làng Nhị Khê, huyện Thương Phúc (nay xã Nhị Khê, Hà Tây). Khi ngài Nguyễn Trãi bị họa tru di tam tộc, con cháu còn sống sót phải mai danh ẩn tích, phiêu dạt khắp nơi. Ngay những nơi xa xôi hẻo lánh như vùng Cao Bằng, Lạng Sơn hiện nay vẫn còn hậu duệ manh họ Bế. Dông Đảo nhất là miền Hà Đông, Thăng Long, Thiên Trường, Gia Miêu Ngoại Trang (Thanh Hóa) và Quảng Bình.
Việc dòng họ Nguyễn di chuyển vào Gia Miêu Ngoại Trang đã thành thơ truyền tụng trong dân ggian thời Trịnh Nguyễn.
"Huyện Tống Sơn đất lành chim đậu, Làng Gia MIêu chiến hữu tùng cư"
Hiện từ đường khởi tổ Nguyễn Bặc ở Gia Miêu Ngoại Trang, Tống Sơn, Thanh Hóa vẫn còn bức Hoành Phi ghi 3 chữ "Khởi Nguyễn Đường" (Từ dường khởi đầu họ Nguyễn). Hai bên cung nghiêm có 2 câu đối đáng dấu việc thiên cư Tộc Nguyễn từ Đại Hữu, Ninh Bình đến Gia Miêu, Thanh Hóa:
"Duệ xuất Gia Miêu Vương Tích Hiển
Khách lư Đại Hữu Tướng Môn Quang"
(Cưả tướng phúc đầy thôn Đại Hữu
Dòng Vương nối tiếp đất Gia Miêu)

Vào thế kỷ 16, dòng Nguyễn Hữu có tổ Nguyễn Hữu Đạt và Nguyễn Hữu Dịch (đời 15) đã theo Nghĩa Huân Vương Nguyễn Văn Lang và An Thành Hầu Nguyễn Kim vào đàng trong. Đến đời Nguyễn Triều Văn vì bất mãn với chúa Trịnh nên đã cùng gia đìnnh di chuyển theo chúa Nguyễn vào đàng Trong (1609), và dịnh cư tại huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.

Từ đó, gia tộc dòng Nguyễn Hữu đã sinh sôi nảy nở không những chỉ ở Quảng Bình mà là khắp mọi nơi, từ Quảng Trị, Huế đến tận miền Nam. Vào năm 1698, thời kỳ ngài Nguyễn Hữu Cảnh (đời 19), dòng họ Nguyễn Hữu đã theo bước chân khai phá của các bậc tiền nhân vào tận đàng Trong (Sài Gòn Bến Nghé). Nay dòng họ Nguyễn Hữu đã có mặt khắp nơi trên thế giới. Nhiều nhất là ở Uc, Canada, Pháp, Mỹ.
Qua sử liệu đã ghi chép xác nhận rằng: "Dòng Nguyễn Hữu đã sản sinh nhiều bậc danh nhân dũng tướng cho đất nước. Những nhà nghiên cứu về sử học đã nhận xét: "...quả là một dòng họ có sức sống phi thường, từ cái gốc Gia Miêu (Thanh Hóa) mà lan ra khắp nước, có con cháu giữ những chức vụ cao về văn võ trong nhiều triều đại. Đặc biệt đấy cũng là một dòng họ có con cháu trở thành những văn hào, thi hào nổi tiếng vào bậc nhất của nước ta từ xưa tới nay".

Điển hình như:

Thời Tiền Tổ có:

- Ngài Nguyễn Bặc, Đinh Quốc Công, Công Thần Khai Quốc Nguyên Huân, thời Đinh Tiên Hoàng, có công dẹp loạn 12 sứ quân.
- Nguyễn Nạp Hòa Bình Nam Đại Tướng Quân triều thần từ 1314-1377.
- Nguyễn Thuyên tức Hàn Thuyên, Binh Bộ Thượng Thư, thuộc dòng Nguyễn Phúc Lịch, cháu nội ngài Nguyễn Bặc.

Thời Hậu Tổ:

Tính từ ngài Nguyễn Trãi (1380) đến Nguyễn Hữu Cảnh (1650) dược 270 năm tiếp nối qua 9 thế hệ, phần đông làm quan dưới triều Lê đều có công to danh lớn, nhưng đến 3 thế hệ từ Nguyễn Triều Văn, Nguyễn Hữu Dật đến Nguyễn Hữu Cảnh đã lập nên nhiều ccông nghiệp thật kỳ vĩ ở miền Nam cuối thế kỷ 17. Nổi bật là:

- Nguyễn Trãi, theo phó tiến sĩ Hồ Sĩ Hiệp thì "Nguyễn Trãi trước hết là một anh hùng dân tộc, một con người chân chính, dũng cảm, đã phấn đấu suốt cuộc đời mình cho sự nghiệp độc lập và giàu mạnh của đất nước. Bên cạnh đó, ông còn là một nhà văn hóa lớn với những cống hiến xuất sắc về nhiều phương diện: tư tưởng thiên tài về chính trị, về quân sự, về triết học, ý thức tự hào về truyền thống văn hiến của dân tộc, quan điểm các dân tộc đều bình đẳng, nhận thức tiến bộ về vai trò của âm nhạc trong đời sống, những đóng góp về địa lý học v.v... Đặc biệt Nguyễn Trãi cũng là một trong những nhà văn ưu tú bậc nhất của lịch sử văn học Việt Nam, một đỉnh cao của thế kỷ 15, người kết thúc trên 5 thế kỷ văn học thành văn đầu tiên mà nhiệm vụ trung tâm là tìm về dân tộc".

Trong tác phẩm "Văn học Việt Nam thế kỷ 10", tác giả Đinh Gia Khánh đã nhận định:
"Công lao của Nguyễn Trãi trước tiên hết là chỗ tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp cứu nước vĩ đại, là chỗ tham gia tích cực vào việc xây dựng lại đất nước sau ngày giải phóng".

Công lao của Nguyễn Trãi laị còn ở chỗ nêu cao được những bài học yêu nước , yêu dân, dũng cảm chiến đấu cho đại nghĩa đến chết mới thôi. Những tình cảm vĩ đại và đức tính cao quí ấy đã thuộc vào truyền thống của dân tộc mà chúng ta phải luôn luôn phát huy".

Theo phó tiến sĩ Võ Xuân Đàm:" Trong lịch sử Việt Nam, Nguyễn Trãi là nhân vật có tư tưởng nhân dân cao quí nhất. Nhân Nghĩa ở Nguyễn Trãi là nguồn gốc của sức mạnh, làm cho lòng người xúc động, tin tưởng tham gia vào sự nghiệp cứu nước và dựng nước".
Nhân kỷ niệm sinh nhật 600 năm (1980), Nguyễn Trãi đã được Liên Hiệp Quốc vinh danh là Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới.
Theo tạp chí Europe (Châu Âu) số 5-1980, ông Mata Moban Tổng Giám Đốc UNESCO nhận định:

"Nhân nghĩa đó đã làm cho những quan điểm của ông trở nên đặc sắc, Nguyễn Trãi đã sớm hiểu dân, thương dân và luôn luôn quan tâm đến những lo lắng của dân. Nguyễn Trãi hết sức kính trọng khả năng sáng tạo của dân, ông thường so sánh khả năng ấy với sức mạnh chở thuyền và lật thuyền của nước...Sáu trăm năm sau, sự thao thức của con người hành động và nhà thơ Nguyễn Trãi cũng là sự thao thức của tất cả những ai yêu tha thiết nhân nghĩa trên trái đất này.

- Nguyễn Hữu Dật Chiêu Vũ Hầu (1603-1681) (1603-1681) Ngài đã dược các nhà sử học ghi nhận là: có tinh thần trung quốc và tấm lòng nhân hậu, cùng với thi phẩm "Hoa Vân Cáo Thị" vẫn sáng mãi trong sử xanh và ngời sáng trong mai hậu.

- Nguyễn Hữu Hào. Hào Lương Hầu (1642-1713). Ngài là một danh tướng, đồng thời là một thi hào với thi phẩm diễn Nôm "Song Tinh Bất Dạ" như là ánh đuốc rực sáng trên văn đàn Đại Việt đầu thế kỷ 18.

- Nguyễn Hữu Cảnh tức Kính Lễ Thành Hầu (1650-1700). Ngài đã có công trong cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ 17 sử sách đã ghi: "Ngài là một một nhân vật lịch sư, có công lớn với tổ quốc. Là bậc tiên phong trong công cuộc mở mang miền Nam, ông xứng đáng được muôn đời sùng kính và ngưỡng vọng."

- Nguyễn Hữu Độ, phụ chánh Đại Thần, Thái Sư Vĩnh Lại Quận Công, sung Bắc Kỳ Kinh Lược Sứ (triều Đồng Khánh).

Trên đây là những vị đại công thần, dòng họ còn rất nhiều văn quan làm đến thượng thư, nhiều võ quan làm đến Đại Đô Đốc, Đô Đốc Lãnh Binh v.v..Về văn học thì nổi bật có đại thi hào Nguyễn Du, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (trực hệ dòng Nguyễn Lý, đời 11, anh Nguyễn Trãi).

Riêng liên hệ với dòng vương, dòng Nguyễn còn có những vị phò mã, hoàng hậu qua các triều đại như:
- Nguyễn Nộn, Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương lấy công chúa Ngọa Thiềm đời nhà Trần.
- Nguyễn Hữu Tri, phò mã đô úy An Phước Hầu, lấy công chúa Thọ Mai triều Lê.
- Nguyễn Hữu Tý (đời 26) Phò Mã Đô Úy, Quang Lộc Tự Khanh, lấy công chúa Ngọc Lâm, con vua Đồng Khánh.
- Nguyễn Hữu Khâm (đời 26) Phò Mã Đô Úy, Thiếu Thường tự Khanh, lấy công chúa Châu Hoàn, con vua Dục Đức.
- Nguyền Thị Ngọc tức Nguyễn Thị Hằng (con gái thứ 6 ngài Nguyễn Đức Trung (đời 13), Hoàng Hậu Trường Lạc vợ vua Lê Thánh Tông, Mẹ của vua Lê Hiển Tông.
- Nguyễn Thị Lựu con thứ 6 ngài Tùng Dương Hầu Nguyễn Hữu Đạt (đời 15), vợ chúa Tiên Nguyễn Hoàng, mẹ chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
- Nguyễn Thị Nga (con thứ 11 ngài Nguyễn Hữu Độ), năm thứ 7 thành Thái, tấn nhập làm Huyền Phi.
- Nguyễn Hữu Thị Nhàn tự Học Khương con bà chính của ngài Nguyễn Hữu Độ. Ngày 13-1 Bính Tuất tấn nhập làm Hoàng Quý Phi vợ vua Đồng Khánh, năm thứ hai tôn làm Hoàng Thái Hậu, năm thứ 8 gia tăng Khôi Nguyên Hoàng Thái Hậu, năm Bảo Đại tấn phong Khôn Nguyên Xương Minh Hoàng Thái Hậu. Mất ngày 24-10 năm Bảo Đại thứ 10.

- Về mặt đạo đức, theo nhận xét của của các nhà nghiên cứu sử học thì gia tộc Nguyễn Hữu phần đông đều có lòng nhân từ bác ái.
Rõ ràng đây là một điẻm son nổi bật của dòng họ Nguyễn Hữu, trong tất cả mọi hoàn cảnh, trường hợp và thời điểm. Điển hình như:

- Ngài Nguyễn Trãi đã được vua Lê Thánh Tôn khen ngợi qua câu thơ:
"Ức Trai, tâm thượng quang khê tảo (Ức Trai lòng dạ sáng như sao khuê).

- Ngài Nguyễn Hữu Dật đã vang danh là người rất phúc hậu, khi mất ngài được ngài được nhân dân trong vùng tôn vinh là phật tổ bồ tát.

- Ngài Nguyễn Hữu Hào sinh thời cũng rất đạo đức nhân hậu, đến khi mất được chúa Nguyễn tặng danh hiệu "Đôn Hậu Quận Công , Thụy Nhu Từ".

- Ngài Nguyễn Hữu Độ với tâm tư được thẻ hiện qua tấm hoành phi ghi lại di bút của ngài tại từ đường Vĩnh Quốc Công ở Kim Long Huế.
"Thử thân chỉ vị thương sinh khởi
Trán uy tăng chi xích tử du"
nghĩa là: Thân ta vì dân đen mà phụng sự, phải làm cho con dân ấm no đầy đủ. Ngài đã được tôn thờ tại đền sinh từ 110 phố hàng Bột Hà Nội.

Quả thật, dòng họ Nguyễn Hữu mang một truyền thống trung hậu và nhân từ. Dòng máu cao quí này đã chảy xiết trong huyết quản suốt từ tiền tổ đến nay.
Như những nhà nghiên cứu sủ học đã nhìn nhận dòng họ dòng họ Nguyễn Hữu đã có một sức sống phi thường, luôn luôn có một tinh thần đấu tranh tạo nên những sự nghiệp vẻ vang ích quốc lợi dân. Với sự bất khuất tiềm tàng trong dòng máu nên luôn luôn âm ỉ một sự chống đối cường quyền áp bức, do đó trải dài trong quá trình lịch sử, đòng họ Nguyễn Hữu đã trãi qua những bước thăng trầm đáng kể. Ngoài ra, cũng do tài năng xuất chúng nên tổ tiên ta đã bị kẻ đồng liêu ghanh tị, đưa đến những thảm họa đau thương. Kể từ tiền tổ Nguyễn Bặc , dòng họ Nguyễn Hữu đã chịu những hình án vô cùng thảm khốc.

Hình án thứ nhất của chính khởi tổ Nguyễn Bặc vì chống Lê Hoàn.

Hình án thứ hai là tiến sỉ Nguyễn Quốc, binh bộ thượng thư (đời 5), chống nịnh thần đời nhà Lý mà bị giết, thảm họa đến số đông họ hàng.

Hình án thứ ba: Nguyễn Công Luật chống Hồ Quí Ly nên bị giết cùng một số con cháu.
Hình án thứ tư: là vụ án Lê Chi Viên khiến ngài Ức trai Nguyễn Trãi và cả dòng tộc 3 họ phải tru di tam tộc (họ cha, họ mẹ, họ vợ).

Ngoài ra, cũng có sự dèm pha của nịnh thần mà ngài Nguyễn Hữu Dật bị bắt giam (sau được thả ra) và Nguyễn Hữu Hào bị giáng chức làm thứ dân (sau được phục hồi).

LỜI KẾT
Qua sự nghiệp vĩ đại của tổ tiên chúng ta trãi dài từ thời tiền tổ Nguyễn Bặc (904) đến nay như đã tổng lược trên, đã đem đến cho chúng ta những bài học vô cùng quí giá sau đây:

- Một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp.
- Một tấm gương sáng ngời trong việc phò vua giữ nước, xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi, đem lại sự phồn vinh cho dân tộc.
- Một tấm gương hiếu học, nên đã đào tạo được nhiều nhân tài lỗi lạc, đạt nhiều bằng cấp cao (tiến sĩ, cử nhân)chiếm những địa vị cao, then chốt về văn cũng như võ. (Thái sư, đại tướng đô đốc...)
- Một sự thông minh tuyệt vời, thêm vào sự sáng tạo, sự kiên nhẫn nên đã sản sinh những nhân tài hiếm có, những thi hào nổi tiếng.
- Những tấm gương về sự liêm khiết. Dù là đại công thần, có vị là thân phụ của Thái Hoàng, Thái Hậu, quyền uy trong tay, được thờ trong thái miếu nhà vua, nhưng cuộc sống vẫn không dư dã, lúc chết vẫn không có ngôi mộ nào đồ sộ, với nấm mộ đắp bằng đất bình thường, khiêm tốn.

Tất cả những điều đó là điểm son của dòng họ Nguyễn Hữu. Đó là cái "gen" ưu việt mà con cháu thế hệ sau này có bổn phận và trách nhiệm phải duy trì và phát huy.
Theo gia phả dòng họ Nguyễn Hữu, ngài Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ đã viết:
"Nhà có phổ như nước có sử, họ Nguyễn nhà ta...biết bao trung thần hiếu tử rực rở vẻ vang Quốc sử vẫn còn ghi chép.

Riêng về phần nhà, con cháu vài đời sau thiếu thiện chí không ghi chép rõ tài đức và hành vi cao cả của tiền nhân, thật đáng ngậm ngùi!" .
Cũng theo gia phả, ngài Nguyễn Hữu Đồng đời thứ 28 có viết"
"Tộc phổ, gia phả làm ra để ghi rỏ thế, thứ, hệ thống, sự tích và hành vi cùa các đấng tiền nhân, lưu lại về sau cho con cháu để mắt vào, ưu nên theo, khuyết nên bối bổ, để làm vật báu của gia thế, treo làm đèn sáng cho tổ tông, vậy tôc phổ, không thể không có"

Vậy, con cháu dòng Nguyễn Hữu từ nay về sau có nhiệm vụ phải tiếp tục viết gia phả. Đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày phải luôn luôn theo tấm gương sáng ngời của tiền nhân đẻ phát huy đạo đức tốt và tài năng xuất chúng để những thế hệ kế tiếp noi theo và hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của dòng họ.

Viết bởi Nguyễn Hữu Am
Đời thứ 29 Tiền Tổ dòng họ Nguyễn Hữu